Nam Cao là một trong những tác giả tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn trước năm 1945. So với các tác giả khác, sáng tác mà Nam Cao để lại cho kho tàng văn học Việt Nam không quá nhiều. Nhưng hầu như ở áng văn nào của ông người ta cũng thấy một dấu ấn, một “chất riêng” rất Nam Cao. Đó là ngòi bút nhân đạo cao cả mỗi khi nói đến thân phận người nông dân trong xã hội cũ.
Điển hình một trong số đó là tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Truyện ngắn này, được đánh giá là một trong số những kiệt tác văn xuôi hiện đại vì đã xây dựng thành công hình tượng người nông dân điển hình qua nhân vật Chí Phèo: Bị bóc lột, bị đẩy đến bước đường cùng và bị tước đoạt quyền của một con người…
Khái quát về nhà văn Nam Cao
Nam Cao (1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ra tại làng Đại Hoàng, Cao Đà, Nam Sang (Nay là Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam).
Nam Cao là một trong những cây bút tài năng của dòng văn học hiện thực trước cách mạng tháng 8/1945. Đồng thời, ông cũng là một tác giả tiên phong trong các sáng tác phục vụ kháng chiến, là người có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng nền văn học mới nửa đầu thế kỷ 20.

Hơn 10 năm cầm bút, Nam Cao đã để lại một số lượng tác phẩm khá phong phú từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết. Trong đó, có nhiều tác phẩm nổi tiếng, tạo nên thương hiệu của nhà văn như: Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn…
Nhờ những đóng góp xuất sắc, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật vào năm 1996.
Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao
Truyện ngắn Chí Phèo có tên nguyên tác là “Cái lò gạch cũ”. Năm 1941, khi được in thành sách lần đầu tiên, nhà xuất bản Đời Mới đã tự ý đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”.
Năm 1946, tác phẩm này được Hội Văn hóa Cứu quốc in lại trong tập “Luống Cày” với tên gọi mới là “Chí Phèo” – tên này do đích thân tác giả đặt lại.
Mỗi một tên gọi của tác phẩm này mang một ý nghĩa ẩn dụ riêng. Theo đó:
- Cái lò gạch cũ: Tên gọi này cũng chính là hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm và đặc biệt nhấn mạnh ở phần kết của truyện khi Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng lúc nghe tin Chí Phèo chết: “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng bóng người qua lại…”. Lò gạch cũ chính là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận người nông dân khốn khổ, sẽ bị đọa đày bởi Cường Hào, ác Bá hết kiếp này tới kiếp khác chừng nào mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp giữa người nông dân và địa chủ còn chưa được giải quyết.
- Đôi lứa xứng đôi: Tên gọi này không phải do tác giả đặt. Khi in thành sách lần đầu, Nhà xuất bản vì muốn “chiều theo” thị hiếu của người đọc thời đó nên đã đặt tên này nhằm hướng sự chú ý của độc giả vào mối tình éo le của hai con người “cùng khổ” trong xã hội là Chí Phèo và Thị Nở.
- Chí Phèo: Đây là tên gọi mang tính chân thực và lột tả toàn diện nhất hình tượng nhân vật chính, cùng số phận nghiệt ngã, đại diện cho cả một tầng lớp người nông dân nghèo khổ, bị bần cùng hóa đến mức đánh mất tính thiện lương vốn có.
Xã hội phong kiến thối nát được phác họa qua tác phẩm Chí Phèo như thế nào?
Tác phẩm lấy bối cảnh chính tại làng Vũ Đại – hình ảnh đại diện cho bao làng quê khác tại Bắc Bộ thời đó. Mở đầu tác phẩm, Nam Cao khiến người đọc phải đôi phần “chói tai” bởi những câu chửi, tiếng chửi chát chúa của Chí Phèo: “Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! thế có phí rượu không? thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này?…”
Nam Cao để Chí Phèo chửi ngay khi mở đầu truyện vừa là để người đọc thấy được tính lưu manh của Chí, nhưng cũng mở ra một cuộc đời cô độc, chua xót đến mức nào thì mới ra nông nỗi như vậy. Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại nhưng không một ai đáp lời hắn ngoài tiếng sủa qua lại của vài ba con chó dữ. Vậy bi kịch của Chí Phèo từ đâu mà có? Từ câu chửi của Chí, tác giả đưa người đọc đi tìm nguyên nhân sâu xa qua các giai đoạn cuộc đời của người đàn ông này.
Giai đoạn 1: Cuộc đời của Chí lúc hắn còn được đối xử như một con người

Chí Phèo cũng như bao nhiêu người nông dân lương thiện khác. Chỉ có điều cuộc đời Chí đã lắm éo le ngay từ khi mới lọt lòng: Là đứa trẻ bị bỏ rơi tại một cái lò gạch cũ, được người đời cưu mang, sống lang hết nhà này tới nhà khác cho tới năm 20 tuổi thì làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Cuộc đời Chí đã khổ lại càng khổ hơn khi “được” bà vợ ba của Bá Kiến để mắt và gọi lên hầu hạ. Để từ đó làm nổi lên máu ghen của cụ Bá, bị cụ tống vào tù rồi sống dở, chết dở trong nhà tù thực dân – nơi thân phận con người bị rẻ rúng, chà đạp không thương xót.
Giai đoạn 2: Cuộc đời của Chí sau khi ra tù
Từ một người đàn ông lương thiện, chất phác, Chí trở về đời sống trong một bộ dạng được mô tả là vô cùng “kinh tởm và gớm chết”: “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm… cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy…”.
Từng khắc họa chân thực về ngoại hình, hành động của Chí Phèo trong giai đoạn này đã phản ánh rõ nét sự khắc nghiệt, tàn nhẫn của thế giới nhà tù thực dân. Nhìn Chí hiện tại sẽ hiểu được cảnh đọa đày, bất công mà hắn phải trải qua khi ở trong tù. Có lẽ, trong môi trường đó muốn tồn tại thì chắc chắn phải trở thành một phiên bản gớm ghiếc nhất của mình. Chí đã chính thức đánh mất cả nhân hình và nhân tính, trong hắn giờ chỉ có thù hận, bất mãn với đời. Chính vì thế, Chí tìm đến rượu để giải thoát, chìm đắm trong ma men để ít phải đối mặt với cuộc đời nhất.
Hận thù đã thôi thúc Chí làm tay chân chuyên đòi nợ, đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến. Đây cũng chính là lúc đánh dấu sự trượt dài của cuộc đời Chí, đẩy hắn ngày một xa hơn với thiện lương: “Hắn đã đập nát biết bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện…”. Người làng Vũ Đại giờ khiếp sợ hắn như khiếp sợ một con quỷ dữ. Chí bị xã hội từ chối, cự tuyệt, khinh rẻ, không được công nhận là người.
Giai đoạn 3: “Tính người” trong Chí Phèo được đánh thức bởi tình yêu với Thị Nở, nhưng rồi bị dập tắt bởi xã hội tàn khốc
Sau những trang văn khắc họa sự nghiệt ngã muôn phần của cuộc đời Chí Phèo thì đây là giai đoạn người ta nhìn thấy chất “tình”, phần người trỗi dậy trong hắn. Đây là lúc Chí Phèo gặp được Thị Nở, được tình thương dù hết sức vụng về của thị đánh thức trong Chí tình yêu. Sau những cơn say triền miên “quên đời”, Chí trở về đời sống với tình yêu với Thị, sống cuộc sống của một người lương thiện.
Ở tận cùng bế tắc, những tưởng người ta chỉ nhìn thấy ở Chí Phèo là một con quỷ dữ, bị đẩy ra xa khỏi xã hội… thì Nam Cao lại nhìn thấy một hình ảnh rất khác, rất “người” trong Chí. Sau đêm ăn nằm với Thị Nở và cao trào là khi được ăn bát cháo hành còn nghi ngút khói do chính tay Thị nấu, Chí Phèo như “tỉnh cơn say”, trỗi dậy khát khao được yêu đương, được tái hòa nhập vào cộng đồng, được lấy lại tư cách của một con người.

Thị Nở – người đàn bà “xấu ma chê quỷ hờn” nhưng tựa như một “đốm sáng” bước vào cuộc đời tăm tối của Chí. Nói như vậy, bởi từ bé chắc chưa một ai ngoài Thị đối xử với hắn dịu dàng đến thế, chưa một ai ngoài Thị nhìn thấy cái sự hiền lương trong Chí “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người…”.
Người ta đã những mong một cái kết tốt đẹp đến với Chí Phèo kể từ đây. Thế nhưng, tất thảy những mong muốn rất đời, rất người của Chí lại bị đạp đổ không thương tiếc bởi bà cô của Thị Nở: “Đàn ông chết hết cả rồi sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy một thằng chỉ có một nghề là đi rạch mặt ăn vạ”.
Nhân vật bà cô Thị Nở là đại diện cho những định kiến ngặt nghèo của xã hội cũ, là điển hình cho một xã hội bị tha hóa, mất niềm tin vào con người, lạnh lùng, nhẫn tâm với đồng loại và với chính mình. Đây chính là những rào cản ngăn cách Chí Phèo được lấy lại quyền con người của mình.
Tận cùng của tuyệt vọng, Chí Phèo nhận ra nguồn cơn của tất cả những bi kịch trong đời mình chính là do Bá Kiến. Từ đây, Chí Phèo lựa chọn việc vùng lên đòi lại lương thiện của mình bằng cách giết Bá Kiến và giải thoát cho cuộc đời mình.
Câu nói của Chí Phèo trước khi giết Bá Kiến cho tới nay vẫn gây ám ảnh cực mạnh đối với bao thế hệ độc giả: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”.
Đối với Chí Phèo, cái chết là sự giải thoát khỏi cuộc đời bất hạnh, tăm tối, khổ đau. Nhưng sâu xa hơn, đây còn là lời tố cáo đanh thép của tác giả về một xã hội tha hóa, bất công, nơi thân phận của người nông dân nghèo bị rẻ rúng, đày đọa đến bước đường cùng.