Biển nào mặn nhất thế giới? Chắc hẳn đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc hiện nay. Tưởng chừng như là một câu hỏi đơn giản, nhưng khi được hỏi thì không phải ai cũng đưa ra được đáp án chính xác. Để được giải đáp thắc mắc này cùng những thông tin liên quan đến nước biển, mời bạn hãy cùng chúng tôi khám phá và theo dõi thông qua bài viết chi tiết dưới đây nhé!
Biển nào mặn nhất thế giới?
Biển Chết là vùng biển mặn nhất thế giới hiện nay. Nó nằm trong đứt gãy của biển Chết và là một phần của vết nứt dài Đại Thung Lũng với tổng chiều dài lên đến 6000km, trải dài từ dãy Taurus – Thổ Nhĩ Kỳ cho đến thung lũng Zambezi – Nam Châu Phi.
Tổng chiều dài của biển Chết là khoảng 75km, nơi rộng nhất có chiều dài 18km và nơi sâu nhất là 400m. Bề mặt của biển Chết nằm ở mức 417,5m dưới mực nước biển.
Ở biển Chết, người ta đã đo và ghi nhận được độ mặn nước biển ở đây là khoảng 33,7%, nghĩa là cao hơn khoảng 10 lần so với độ mặn tiêu chuẩn của nước biển. Sở dĩ biển Chết là một vùng biển siêu mặn vì nó nằm độc lập so với các đại dương khác. Theo thời gian, vùng biển này tích tụ muối từ các dòng sông đổ về và vượt qua độ mặn của nước đại dương.

Từ thời xa xưa, biển Chết đã là cái tên gây ấn tượng và sức hấp dẫn đối với nhiều nhà khoa học và các du khách trên thế giới. Đến nay, biển Chết cũng đã và đang là một trung tâm nghiên cứu sức khỏe và điều trị nhờ vào hàm lượng khoáng chất, tỷ lệ bức xạ tia cực tím thấp và tỷ lệ các chất gây dị ứng khác rất thấp.
Nếu chỉ so sánh với các vùng biển trên thế giới thì biển Chết đúng là vùng biển mặn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi xem xét rộng hơn với các khu vực ao hồ khác, nước ở biển Chết thực chất chưa phải là mặn nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của giáo sư U.T.Hammer, tác giả của cuốn sách “Hệ sinh thái các hồ nước mặn trên thế giới”, nơi được cho là có vùng nước mặn nhất thế giới phải là hồ Don Juan Pond ở Nam Cực. Theo ghi nhận, hồ nước này có độ mặn lên đến 47,4%, cao hơn khoảng 10% độ mặn của biển Chết.
Hồ Don Juan Pond được khám phá và phát hiện ra vào năm 1961, nó nằm ở thung lũng khô McMurdo – Nam Cực. Với độ mặn cao khủng khiếp, nước ở hồ Don Juan Pond hoàn toàn không bị đóng băng, ngay cả khi nhiệt độ xuống dưới ngưỡng -50 độ C.
Ngoài biển Chết và hồ Don Juan Pond, một số khu vực khác trên thế giới cũng có độ mặn cao như: Hồ Gaet’ale Pond – Ethiopia, độ mặn 43%; Hồ Retba – Senegal, độ mặn 40%; Hồ Vanda – Nam Cực, độ mặn 35%; hồ Garabogazkol – Turkmenistan, độ mặn 35%, hồ Assal – Djibouti, độ mặn 34,8%.
Bên cạnh đó, nếu so sánh với các vùng biển “hở” ở trên thế giới, thì biển Đỏ là vùng biển có độ mặn cao nhất thế giới, với độ mặn đạt 3,6% ở vùng biển phía Bắc và 4,1% ở vùng biển phía Nam (Biển hở là biển kết nối với đại dương).
Biển Đỏ là một vịnh nhỏ của Ấn Độ Dương, nó nằm giữa Châu Phi và Châu Á, dài khoảng 1900km, chỗ rộng nhất có chiều dài lên đến 300km và chỗ sâu nhất là 2500m. Biển Đỏ được hình thành cách đây khoảng 30 triệu năm trước do sự phân tách của Châu Phi ra khỏi bán đảo Ả Rập. Ngoài độ mặn cao, biển Đỏ còn là vùng biển nổi tiếng với những trận gió rất mạnh thổi từ đại dương vào khu vực lân cận.
Biển nhạt nằm ở đâu?
Theo thông tin từ trang Science Daily, vùng biển nhạt nhất thế giới nằm ở phía Đông của vịnh Phần Lan. Đây vốn là một phần của biển Baltic, nó nằm ở gần khu vực Cực Bắc.
Độ mặn của nước biển nơi đây chỉ rơi vào khoảng 0,02%-0,58% ở bề mặt và 0,03-0,85% ở đáy biển, thấp hơn rất nhiều so với độ mặn trung bình của nước biển trên thế giới. Nguyên nhân được lý giải là do nhiều dòng nước ngọt lớn đã đổ về khu vực này, trong đó có sông Neva. Nhiệt độ nước ở đây cũng khá lạnh, xuống khoảng 0 độ C vào mùa đông và chỉ lên ngưỡng 15-17 độ C vào mùa hè.
Tại sao nước biển lại mặn?

Chúng ta đều phải công nhận rằng nước biển có vị mặn, nhưng vì sao nước biển mặn lại là thắc mắc mà không phải ai cũng có thể trả lời được.
Trên thế giới có tất cả 5 đại dương, bao gồm: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và Nam Đại Dương. Nước biển ở các khu vực này chứa rất nhiều hợp chất hỗn hợp khác nhau, từ muối khoáng cho đến xác của các loài động vật bị phân hủy.
Khi núi được hình thành, các khoáng chất ở trên đất liền bị nước mưa cùng với các dòng suối cuốn trôi ra biển và tích tụ thành một lượng nước lớn như hiện tại. Theo nghiên cứu của Cục Hải Dương và khí quyển Mỹ – NOAA, lượng muối này có nguồn gốc từ đá ở trên đất liền.
Axit có sẵn ở trong nước mưa phá vỡ đá, sau đó thu giữ ion trong đá và mang chúng đi ra biển. Phần lớn những ion này là Natri và Clo, khi hai loại ion này kết hợp với nhau sẽ tạo thành muối ở trong đại dương.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho nước biển bị mặn là do đá và các trầm tích ở dưới đáy biển tạo ra được một lượng muối ở trong đại dương. Không những vậy, muối ở trong nước biển còn đến từ các loại chất khí, chất rắn ở trong lòng Trái Đất thoát ra từ miệng núi lửa ở dưới đại dương.
Như vậy, biển mặn nhất thế giới chính là biển Chết. Tuy nhiên, khi xem xét và so sánh rộng hơn với các khu vực ao hồ ở trên thế giới, thì biển Chết lại chưa phải là cái tên đứng đầu danh sách.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giải đáp được cho bạn đọc thắc mắc “Biển nào mặn nhất thế giới?”, cùng với đó là những thông tin hữu ích về vùng biển nhạt nhất thế giới và những lý giải cho việc vì sao nước biển lại mặn?