Lòng biết ơn là gì? Một trong những đạo lý con người quý báu của con người, nó mang lại những năng lượng kỳ diệu, sở hữu sức mạnh chữa lành và sức thu hút tới những gì bạn mong muốn đạt được. Nó cũng là khởi nguồn của rất nhiều các đức tính tốt đẹp khác.
Tìm hiểu về lòng biết ơn là gì?
Lòng biết ơn là thái độ trân trọng, cảm kích hoặc sự đền đáp trước những việc làm tốt đẹp, giúp đỡ tận tình của người khác dành cho mình. Đây chính là truyền thống tốt đẹp của ông cha ta được gìn giữ từ bao đời nay vẫn không ngừng được giáo dục và noi theo ở thế hệ trẻ.

Một xã hội đáng sống là một xã hội có nhiều thông điệp tốt đẹp, ở đó có những con người biết nói lời cảm ơn những người xung quanh, tạo những giá trị tinh thần tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Không chỉ như vậy, bản thân chúng ta là một người có lòng biết ơn, sẽ tôi luyện các đức tính khác trở nên tốt đẹp, sống giàu lòng yêu thương, sống có ích với xã hội, mang năng lượng tích cực truyền tải tới tất cả mọi người xung quanh.
Mỗi người mang trong mình lòng biết ơn nhỏ tạo nên cả đất nước với truyền thống biết ơn to lớn – một xã hội văn minh, phát triển bển vững.
Trên đời người chúng ta biết ơn nhất là ai?
Mỗi người xuất hiện trong cuộc đời chúng ta dù ngắn hay dài, dù đã gặp gỡ hay chưa, dù mang đến niềm vui hay nỗi buồn thì chắc chắn, tới một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải biết ơn họ. Có thể họ không mang lại tiền bạc, vật chất hay những món quà về tinh thần cho bạn, nhưng chắc chắn họ sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm, những bài học mà không ai có thể làm tương tự:
Đầu tiên, người chúng ta cần phải biết ơn nhất trên cuộc đời chính là bố mẹ – những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta từ nhỏ tới khi trưởng thành. Bố mẹ yêu thương chúng ta vô điều kiện, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất của đời người cho bạn, cho chúng ta hạnh phúc, đầy đủ. Dù bạn có trưởng thành tới đâu, đối với cha mẹ, bạn luôn là đứa con bé bỏng, luôn sẵn sàng chờ đón những đứa con ngay cả khi chúng phạm phải lỗi lầm.
Sau bố mẹ, những người thân thiết như vợ chồng, con cái, ông bà, dì chú, anh chị em cũng là những người chúng ta cần phải biết ơn. Bởi họ chính là những người luôn bên bạn mỗi khi gặp khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ khi bạn thất bại, dành cho bạn những lời khuyên hữu ích khi bạn gặp rắc rối trong cuộc sống.

Thứ hai, người mà chúng ta cũng cần ghi nhớ công ơn và thể hiện lòng biết ơn chính là thầy cô giáo. Họ chính là người gieo con chữ đầu tiên “a, b, c” tới những kiến thức nâng cao, kinh nghiệm cuộc đời để chúng ta có đầy đủ hành trang để bước vào “trường đời”. Chẳng phải vì thế mà ở Việt Nam chúng ta có riêng một ngày “20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam” để tri ân những người làm giáo, thời điểm để học trò trên cả nước nhớ về thầy cô.
Thứ ba, bạn bè cũng là những người không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, họ chẳng phải là người thân nhưng không dễ thay đổi. Họ đồng hành trên mọi nẻo đường, cho chúng ta lời khuyên, cho chúng ta lời giải, giúp đỡ trong cuộc sống và công việc mà không toan tính. Đặc biệt, những người bạn tốt còn cùng chúng ta phát triển lâu dài, tạo động lực để cùng tiến tới đích thành công.
Ngoài ra, chúng ta còn phải biết ơn tất cả những người từng xuất hiện trong cuộc đời ta: người ủng hộ mình, người bao dung mình, đồng nghiệp, người đem đến cho ta niềm vui, người đã làm ta tổn thương, người yêu cũ và thậm chí là những đối thủ cạnh tranh của chúng ta,… Tất cả!
Có thể ở thời điểm hiện tại một người có thể mang lại khó khăn, nỗi buồn, thậm chí là cả thất bại cho bạn. Nhưng ngày sau, tuần sau, tháng sau, năm sau,… họ lại là người chúng ta biết ơn bởi những bài học họ mang lại, những thử thách họ tạo ra đã tôi luyện cho chúng ta trở thành người tốt hơn, nỗ lực hơn và thành công hơn.
Hãy rèn luyện cho mình lòng biết ơn với mọi thứ diễn ra trong cuộc sống, với mọi người xung quanh để mỗi ngày là một ngày thú vị, thấy bản thân trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn!
Ý nghĩa của lòng biết ơn
Việc xây dựng cho bản thân lòng biết ơn với mọi mọi điều diễn ra trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta sống tích cực hơn, ý nghĩa hơn. Cả người nói lời cảm ơn lẫn người được cảm ơn đều sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thúc đẩy mối quan hệ thêm gắn kết, tình nguyện giúp đỡ nhau nhiều hơn trong tương lai. Từ đó, tất cả mọi người sẽ cùng nhau tạo nên một xã hội giàu lòng yêu thương, luôn quan tâm, giúp đỡ, cùng phát triển đi lên.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, nhiều người khi được người khác giúp đỡ lại có thái độ “qua cầu rút ván”, ngoảnh mặt làm ngơ, thờ ơ, dửng dưng,… Lại có không ít người lại vô tâm đứng nhìn người khác gặp khó khăn mà không muốn giúp đỡ. Đây là những hành động kém tinh tế cần được loại bỏ để xã hội ngày được tốt hơn.

Thực tế trong tâm hồn của mỗi chúng ta không phải người vô ơn bởi giữa mình và những người xung quanh đều có những sợi dây gắn kết nhất định. Nhưng vì cuộc sống bộn bề những lo lắng, mệt mỏi, tiền bạc, mưu sinh cho cuộc sống, những khó khăn gặp phải mà họ không còn thời gian hoặc tỏ ra vô tâm với mọi thứ diễn ra xung quanh.
Đây chính là điều mà chúng ta cần khắc phục để thói quen tâm lý này không bị ăn sâu vào tiềm thức, xói mòn đạo đức. Đồng thời, chúng ta cũng cần lên án, phê phán những kẻ lừa thầy dối bạn, bất hiếu, phá hoại tài sản quốc gia, có mới nới cũ, có trăng quên đèn, quên đi cội nguồn dân tộc,… Thật đáng trách!
Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian theo dõi nội dung chia sẻ về lòng biết ơn của Nhà văn TP.HCM. Thời gian tới, chúng mình sẽ cập nhật thêm các bài viết hữu ích về nhà văn, nhà thơ, các phẩm văn học và nhiều bài viết nghị luận văn học, nghị luận xã hội. Mời bạn đọc đón xem!