Nguyễn Bính là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới thời kỳ 1932-1945. Thơ của ông để lại sự ấn tượng và thương nhớ với người đọc nhờ sự chân quê, mộc mạc và gần gũi vô cùng. Mời bạn hãy cùng với nhavantphcm.com.vn tìm hiểu những thông tin chi tiết về cuộc đời sự nghiệp và phong cách sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bính nhé!
Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Bính
Nguyễn Bính tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính (1918-1966), quê quán tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội nay là xã Cộng Hòa, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Ông sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nổi tiếng với truyền thống văn chương và khoa bảng. Nơi ấy mang đậm nét đặc trưng của vùng làng quê Bắc Bộ xưa với những đêm hát giao duyên giữa các liền anh liền chị, các gánh hát chèo giữa các thôn xóm, bản làng. Tất cả những nét sinh hoạt đó, sau này đã ảnh hưởng rất nhiều tới các sáng tác của Nguyễn Bính.
Bài thơ Cô hái mơ là sáng tác đầu tiên của Nguyễn Bính được đăng báo. Năm 1937, ông gửi tập thơ Tâm hồn tôi đi dự thi và giành được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn. Năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu trở nên nổi tiếng nhờ số lượng các tác phẩm thơ ngày một nhiều và phong phú, chủ yếu là thơ tình.
Năm 1947, Nguyễn Bính đi theo Việt Minh và tới năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính cũng giống như bao cán bộ Việt Minh tập kết ra ngoài miền Bắc. Sau đó, ông bắt đầu công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ và làm chủ bút báo Trăm hoa.
Nguyễn Bính còn được nhận xét là một con người rất lãng mạn và đào hoa. Ông trải qua rất nhiều mối tình và nhiều cuộc hôn nhân khác nhau. Tuy nhiên, trong sự nghiệp văn chương thì Nguyễn Bính lại tỏ ra là một con người vô cùng chỉn chu, cần mẫn và sống hết mình với sự nghiệp thi ca trong suốt 30 năm.
Người được cho là có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời thi ca của Nguyễn Bính chính là Đại thi hào Nguyễn Du. Ông luôn coi Nguyễn Du là thần tượng số một trong lòng mình. Cũng bởi sự mến mộ đó mà những sáng tác của Nguyễn Bính đâu đó cũng phảng phất âm hưởng của truyện Kiều.
Những nét chân quê trong hồn thơ Nguyễn Bính
Nhắc tới Nguyễn Bính là nhắc tới một thi sĩ của đồng quê, nhìn vào kho tàng tác phẩm đồ sộ của ông, có thể chia ra làm hai dòng đó là “lãng mạn” và “cách mạng”.
Đọc tác phẩm của Nguyễn Bính, người đọc đều thấy được những nét dung dị, đằm thắm, đậm sắc hồn dân tộc và vô cùng gần gũi. Cái tình trong thơ của ông luôn tỏ rõ được sự mặn mà, mộc mạc, sâu sắc và rất tế nhị, phù hợp với phong cách và tâm hồn của người Á Đông.
Cũng bởi vậy mà thơ của Nguyễn Bính rất dễ đi vào tâm hồn của con người ta, chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả từ thành thị cho đến nông thôn. Đặc biệt là những người ở tầng lớp bình dân, họ thuộc lòng và ngâm nga thơ của Nguyễn Bình nhiều nhất. Và thơ hay không phải là một bài thơ phải dùng đến quá nhiều ngôn ngữ đặc biệt, mà bài thơ đó phải dễ thuộc, dễ khiến cho con người ta nhận thấy được sự đồng cảm.
Thơ của Nguyễn Bính thắm đượm cảnh quê, tình quê và hồn quê nước Việt với một sắc thái cũng vô cùng lãng mạn. Người đọc có thể dễ dàng bắt gặp trong thơ của ông những hình ảnh giản dị đời thường như hàng cau, rặng mùng tơi, cây bưởi, giàn trầu,…
Nguyễn Bính là một nhà thơ suốt đời muốn lưu giữ những nét “chân quê”. Chân quê ở đây còn là những đức tính tốt đẹp có từ ngàn đời của người dân quê ta. Đó là sự hồn hậu, giản dị, chân chất, sống tình nghĩa biết trước biết sau, biết lưu giữ và duy trì những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc.
Thơ của Nguyễn Bình cũng đặc trưng cho sự giản dị và mượt mà. Ông thường thể hiện rõ sự khéo léo trong phong cách sáng tác khi kết hợp nhuần nhuyễn thể thơ lục bát cùng với những hình ảnh làng quê mộc mạc, gần gũi. Bởi vậy, những vần thơ của ông khi được đọc lên đều có được sự nhẹ nhàng và duyên dáng.
Không chỉ mang đến cho người đọc những bài thơ mang đậm nét chân quê, giản dị mà những sáng tác về chủ đề tình yêu của ông vô cùng ấn tượng với độc giả.
Tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Bính
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Bính đã cho ra đời nhiều tác phẩm ở đủ mọi thể loại như truyện thơ, kịch, thơ,… Ông để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm khổng lồ, đặc biệt phải kể đến một số sáng tác như:
Thể loại thơ: Những bóng người trên sân ga (1937), Cô hái mơ (2007), Tương tư, Qua nhà (Yêu đương 1936), Chân quê (1940), Lỡ bước sang ngang (1940 – 34 bài), Tâm hồn tôi (1940 – 23 bài), Hương cố nhân (1941), Hồn trinh nữ (1958), Một nghìn cửa sổ (1941), Sao chẳng về đây (1941), Người con gái ở lầu hoa (1942-24 bài), Mười hai bến nước (1942-12 bài), Mây tần (1942-9 bài), Ông lão mài gươm (1947), Chiến dịch mùa xuân (1949), Đồng Tháp Mười (1955), Trả ta về (1955), Gửi người vợ miền Nam (1955), Nước giếng thơi (1957), Tình nghĩa đôi ta (1960).
Truyện thơ: Truyện Tỳ Bà (1942), Tiếng trống đêm xuân (1958).
Chèo: Cô Son (Chèo cổ 1961), Người lái đò sông Vỹ (Chèo 1964).
Kịch thơ: Bóng giai nhân (1942).
Bên cạnh đó, thơ của Nguyễn Bình còn được phổ thành nhiều bài nhạc nổi tiếng như:
Tác phẩm | Người phổ nhạc |
Cách xa | Song Ngọc |
Chân quê | Trung Đức |
Chuyện tình hoa mai | Anh Bằng |
Cô hái mơ | Phạm Duy |
Cô lái đò | Nguyễn Đình Phúc |
Gái xuân | Từ Vũ |
Ghen | Trọng Khương |
Hôn nhau | Văn Phụng |
Hương đồng gió nội | Song Ngọc |
Khúc hát chiều tà | Lã Văn Cường |
Lỡ bước sang ngang | Song Ngọc |
Một lần cuối | Văn Phụng |
Mưa xuân | Huy Thục |
Người hàng xóm | Anh Bằng phổ thành ca khúc Bướm Trắng |
Nhạc xuân | Đức Quỳnh |
Nụ tầm xuân | Phạm Duy |
Thoi tơ | Đức Quỳnh |
Thời trước | Văn Phụng |
Tiểu đoàn 307 | Nguyễn Hữu Trí |
Viếng hồn trinh nữ | Trịnh Lâm Ngân phổ thành ca khúc Hồn trinh nữ |
Thông qua bài viết trên đây, Nhà văn TP. HCM hy vọng bạn đã có được cho mình những kiến thức hữu ích, giá trị để hiểu hơn về cuộc đời, phong cách sáng tác và những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Nguyễn Bính.