Người ta biết tới Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là tài năng thơ văn mà còn là một nhà giáo, một thầy thuốc được người người ngưỡng mộ. Các tác phẩm thơ Nôm của ông là những di sản còn mãi với thời gian, là bài học cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
Tìm hiểu tiểu sử tác giả Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là một nhà thơ lớn tại vùng đất Nam Kỳ vào khoảng cuối thế kỷ XIX.
Ông xuất thân trong gia đình nhà nho có cha là Nguyễn Đình Huy, là người làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây, ông cưới vợ và sinh được 2 con một trai một gái.

Tới mùa thu năm 1820, Nguyễn Đình Huy theo Tả quân để làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn. Tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định, ông Huy cưới thêm vợ thứ và sinh ra 7 người con (4 trai, 3 gái), trong đó, Nguyễn Đình Chiểu là con trai đầu lòng.
Từ nhỏ, ông đã được mẹ nuôi dạy kỹ lưỡng, lại là con đầu lòng nên càng được quan tâm chăm sóc cẩn thận. Tới năm 6 tuổi, ông được theo học với một thầy đồ trong làng.
Năm 1883, trong cuộc nổi dậy ở Gia Định, cha ông bị cách chức do bỏ trốn ra Huế. Nhưng vì lòng thương vợ, thương con, ông lại trở vào Nam Kỳ, đem con ra gửi một người bạn ở Huế đang làm Thái phó để được tiếp tục việc học đang còn dang dở.
Nguyễn Đình Chiểu sống và học tập ở Huế từ năm 11 tuổi tới năm 18 tuổi, sau đó, trở lại Gia Định cùng với gia đình.
Năm 1943, ở trường thi Gia Định, ông thi đỗ tú tài, khi ấy ông mới chỉ 21 tuổi. Năm 1846, ông cùng em trai và Nguyễn Đình Tựu (10 tuổi) ra Huế học để chờ khoa thi năm 1849.
Năm 1847, mẹ ông mất ở Gia Định. Hay tin, ông đã bỏ thi, tức tốc cùng em trai trở về Nam để chịu tang mẹ. Trên đường trở về, vì thời tiết khắc nghiệt cùng nỗi tiếc thương mẹ mà ông sinh bệnh, phải nghỉ ngơi ở một nhà thầy thuốc có dòng dõi Ngự y trong cung. Trong thời gian này ông cũng học được không ít những kiến thức trong nghề thuốc.
Thời gian sau đó, bao nhiêu giông tố đều ập tới: ông lâm cảnh mù lòa, vị hôn thê bội ước, hoàn cảnh gia đình sa sút,… Chịu tang mẹ 3 năm, tới năm 1851, ông mở trường dạy học và làm thuốc ở quê nhà. Đây cũng thời điểm ông bắt đầu viết truyện thơ Lục Vân Tiên.
Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới vợ là bà Lê Thị Điền – học trò của ông, vì cảm phục và mến thương nên đã xin gia đình tác hợp thành hôn. Nhân câu chuyện này của mình và vợ, ông cũng bắt đầu sáng tác truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu.
Từ năm 1858 tới năm 1883 là thời điểm quân pháp nổ súng vào Đà Nẵng với nhiều nổi dậy, mất mát, hy sinh, gia đình ly tán. Nguyễn Đình Chiểu vẫn tiếp tục sự nghiệp dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn với nhiều tác phẩm để đời như: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Từ biệt cố nhân,….
Tới năm 1886, vợ mất, đất nước cơ hàn khiến cho bệnh tình Nguyễn Đình Chiểu càng thêm trầm trọng. Sau 2 năm, ông qua đời tại Ba Tri, hưởng thọ 66 tuổi, ông được an táng ngay cạnh mộ vợ tại Bến Tre. Cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người thân, học trò và tất cả những người mến mộ.
Phong cách sáng tác thơ văn của Cụ Nguyễn Đình Chiểu
Từ nhỏ, sống trong gia đình gia giáo, học thức, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu mang nặng lý tưởng đạo đức nhân nghĩa, đạo lý làm người nhưng vẫn đậm đà tính truyền thống dân tộc và tính nhân dân.

Quan điểm sáng tác của ông là văn chương chiến đấu, vị nhân sinh, tràn đầy tinh thần nhân ái và tinh thần tiến công.
Các sáng tác của ông chịu hưởng lớn bởi yếu tố thời đại (thời kỳ chống Pháp), tạo dựng hình ảnh những con người ngay thẳng, thủy chung, nhân hậu, dám đấu tranh với các thế lực bạo tàn.
Ông chính là một trong những nhà thơ đóng góp lớn vào nền thơ văn nước nhà thời kháng chiến chống Pháp. Các tác phẩm của ông ghi chép chân thực lại một thời đại khó khăn của dân tộc, những nỗi đau do chiến tranh để lại. Đồng thời, các tác phẩm cũng tố cáo tội ác của kẻ thù, củng cố thêm sức mạnh tinh thần cho dân tộc.
Không trau chuốt, cầu kỳ nhưng những tác phẩm của ông lại được rất nhiều độc giả đón nhận bởi nội dung hướng tới nhân dân, đất nước, hướng tới sự nghiệp đấu tranh của toàn nhân tộc.
Những tác phẩm nổi tiếng của tác giả Nguyễn Đình Chiểu

Các tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu mang đậm bút pháp trữ tình, đậm đà sắc thái Nam Bộ quê hương, tràn trề hơi thở cuộc sống:
- Lục Vân Tiên (1851) gồm 2082 câu thơ lục bát. Đây chính là tác phẩm làm lên tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu, là tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam. Ban đầu, Lục Vân Tiên chỉ phổ biến theo lối truyền miệng nhưng sau đó truyện thơ được Trần Quang Quang khắc in lần đầu ở Trung Quốc trước năm 1864. Tác phẩm ca ngợi chính nghĩa và những đạo đức đáng quý ở đời.
- Dương Từ – Hà Mậu (1854) gồm 3456 câu thơ lục bát có xen lẫn thơ Đường và một số thể loại khác. Tác phẩm là suy nghĩ, thái độ không tán thành của Nguyễn Đình Chiểu đối với đạo Phật và Công giáo.
- Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (1867) gồm 3642 câu thơ lục bát có xen lẫn 21 bài thơ và một số bài phú, thơ ca,… là cuốn sách dạy nghề thuốc chữa bệnh. Trong tác phẩm này, tác giả vẫn không quên lồng ghép tư tưởng yêu nước.
Ngoài 3 tác phẩm trên thì Nguyễn Đình Chiểu còn để lại 37 thơ và văn tế nổi tiếng như: Chạy giặc, Từ biệt cố Nhân, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thảo thử hịch, Ngóng gió đông, Thà đui,…
Vinh danh Cụ Nguyễn Đình Chiểu
Năm 1965, để dành tặng cho các tác giả, tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở miền Nam, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam đã lập ra giải thưởng mang tên Nguyễn Đình Chiểu – Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 2021, Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO cùng Việt Nam tôn vinh và kỷ niệm năm sinh, năm mất – Danh nhân văn hóa thế giới. Không chỉ tài năng trong lĩnh vực thơ văn mà ông còn là một thầy giáo, thầy thuốc được người người kính trọng, là tấm gương “hoa trong nghịch cảnh”.
Tại buổi lễ có sự góp mặt Chủ tịch nước cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tham gia.
Đây không những là vinh dự to lớn của tỉnh Bến Tre (nơi cụ Chiểu đã sống trong những năm tháng cuối đời) mà còn là sự tự hào của toàn dân tộc Việt Nam.
Hy vọng những tư liệu chia sẻ về cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu của Nhà văn TP.HCM đã giúp bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích phục vụ cho việc học tập hàng ngày. Chúc bạn có những giờ học hiệu quả.