Thế Lữ là nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới tại Việt Nam. Ông được độc giả biết đến nhiều nhất thông qua bài thơ Nhớ rừng. Đồng thời ông cũng là tác giả của rất nhiều tác phẩm thơ ca, truyện ngắn, kịch,… Để hiểu hơn về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông, mời bạn đọc hãy cùng Nhà văn TP.HCM tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
Tiểu sử nhà thơ Thế Lữ
Thế Lữ (10/6/1907 – 3/6/1989), tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ, sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ. Sau khi người anh trai của ông qua đời, cha mẹ đổi lại tên cho ông là Nguyễn Đình Lễ. Bút danh Thế Lữ còn mang ý nghĩa “người khác đi qua trần thế” để phù hợp với quan niệm sống của ông thời bấy giờ. Ngoài ra, Thứ Lễ còn có một bút danh khác là Lê Ta để viết báo.
Thế Lữ là một nghệ sĩ rất đa tài, ông hoạt động ở nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết báo, viết văn, dịch thuật, phê bình và sân khấu. Tuy nhiên, từ trước đến nay ông vẫn được nhắc đến nhiều nhất với vai trò là một nhà thơ.

Thế Lữ nổi danh trên nền văn học Việt Nam từ những năm 1930, với những tác phẩm thơ mới và văn xuôi tiêu biểu như bài thơ Nhớ rừng hay tập truyện Vàng và máu (1934). Cũng từ năm 1934, ông đã trở thành thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, ông tham gia vào hầu hết các hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian. Đồng thời, cũng đảm nhiệm vai trò là một nhà báo, nhà phê bình và biên tập viên của tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Đến năm 1937, Thế Lữ chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói và trở thành diễn viên, đạo diễn, biên kịch. Sau cách mạng tháng 8, Thế Lữ lên Việt Bắc tham gia kháng chiến và được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam, kiểm trưởng đoàn sân khấu Việt Nam.
Năm 1955, Thế Lữ giữ vai trò Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương đi biểu diễn tại các nước như Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc.
Năm 1957, ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đồng thời cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa II.
Năm 1962, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần III, Thế Lữ tiếp tục giữ vai trò Ủy viên thường vụ Ban chấp hành. Và ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa II (1960 – 1964).
Thế Lữ nghỉ hưu năm 1977, đến năm 1979, ông chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt I và qua đời vào ngày 3/6/1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phong cách sáng tác của Thế Lữ trong phong trào thơ mới
Có thể nói, Thế Lữ là một trong những người khai sáng ra phong trào thơ mới tại Việt Nam. Đọc thơ của ông, độc giả cảm nhận rõ được phong cách sáng tác vô cùng dồi dào, đầy chất lãng mạn mà cũng ẩn chứa những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Bên cạnh đó, các tác phẩm thơ của ông đã thoát ra được khuôn phép của thế hệ phong kiến, giải phóng tâm tư của thế hệ mới, đồng thời khẳng định bản lĩnh của con người trước xã hội. Không những vậy, ông cũng là người có đóng góp to lớn trong việc hiện đại hóa các vần thơ trong nền văn học Việt Nam.
Thế Lữ cũng là một trong những người tiên phong trong việc đưa kịch đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Ông là người duy nhất phát triển kịch nói từ trình độ nghiệp dư đến trình độ chuyên nghiệp và trở thành người có sức ảnh hưởng của nền sân khấu dân tộc.
Những tác phẩm thơ tiêu biểu của Thế Lữ
Một trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà thơ Thế Lữ, chắc chắn phải nhắc đến bài thơ Nhớ rừng. Tác phẩm được ông sáng tác vào năm 1934 và được in trong tập “Mấy vần thơ”. Trong bài thơ ấy, tác giả đã mượn hình ảnh chú hổ trong vườn bách thú để bày tỏ nỗi căm hận, uất ức của tầng lớp thanh niên tri thức yêu nước thời bấy giờ, đó là những con người bị giam cầm nhưng khao khát sự tự do. Qua đó, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của mỗi người con Việt Nam.
“Mấy vấn thơ” cũng được xem là tập thơ tiêu biểu và xuất sắc của nhà thơ Thế Lữ, tập thơ này đã được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn sách tuyển thơ “Thi nhân Việt Nam”. Các tác phẩm trong tập “Mấy vần thơ” gồm có: Nhớ rừng, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Cây đàn muôn điệu, Giây phút chạnh lòng.
Về đề tài truyện, Thế Lữ là tác giả của 40 truyện, trong đó có 6 truyện vừa và còn lại là truyện ngắn. Các tác phẩm truyện của ông, thường hướng tới 3 chủ đề chính là truyện kinh dị (Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi,…); truyện trinh thám (Lê Phong và Mai Hương, Gói thuốc lá, Tay đại bợm, Đòn hẹn,…) và truyện lãng mạn (Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh,…).
Trong lĩnh vực sân khấu, khi làm việc dưới vai trò là đạo diễn và đồng đạo diễn, ông đã dàn dựng gần 50 vở diễn. Đồng thời đảm nhiệm khoảng 26 vai diễn khi làm diễn viên. Ông cũng là tác giả của hơn 20 kịch bản kịch nói và 2 vở kịch thơ.
Nhìn chung, sự nghiệp sáng tác của Thế Lữ bao gồm 3 thể loại chính là thơ ca, truyện ngắn và kịch.

Các tác phẩm thơ ca tiêu biểu:
- Mấy vần thơ (1935)
- Mấy vần thơ, tập mới (1941)
- Nhớ rừng
Các tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu:
- Vàng và máu (1934)
- Bên đường thiên lôi (1936)
- Lê Phong phóng viên (1937)
- Mai Hương và Lê Phong (1937)
- Đòn hẹn (1937)
- Gói thuốc lá (1940)
- Gió trăng ngàn (1941)
- Trại Bồ Tùng Linh (1941)
- Thoa (truyện ngắn, 1942)
- Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953)
- Tay đại bợm (truyện ngắn, 1953)
Các tác phẩm kịch tiêu biểu:
- Dương Quý Phi (1942), với hai vở kịch: Trầm hương đình, Mã Ngôi Pha
- Người mù (1946)
- Cụ đạo sư ông (1946)
- Đoàn biệt động (1947)
- Đề Thám (1948)
- Đợi chờ (1949)
- Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (1952)
Nhận định về nhà thơ Thế Lữ
“…Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai thơ mới. Thơ ông không phải chỉ mới ở lời mà còn mới cả ở ý nữa.” – Vũ Ngọc Phan.
“Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh.” – Hoài Thanh, Hoài Chân.

“Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng lại được.” – Hoài Thanh.
“Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ.” – Hoài Thanh.
“Thơ Thế Lữ giàu chất lãng mạn, trữ tình. Hình ảnh thơ đẹp, giọng điệu thơ mềm mại, trau chuốt. Tuy nhiên, cảm hứng thơ ít phát triển, hình tượng thơ có ít biển hóa và trong một số trường hợp rơi vào đơn điệu.” – Hà Minh Đức.
Hy vọng, với những thông tin về tiểu sử cuộc đời, phong cách sáng tác và tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Thế Lữ trên đây, đã giúp bạn có thêm những kiến thức quan trọng và cái nhìn rõ nét, sâu sắc hơn về tác giả đi đầu trong phong trào thơ mới của Việt Nam.