Đất rừng Phương Nam là sáng tác nổi tiếng và tiêu biểu nhất của nhà văn Đoàn Giỏi. Không chỉ được dịch và xuất bản ra nhiều thứ tiếng, tác phẩm này còn được chuyển thể thành phim. Để có thể hiểu hơn về nhà văn Đoàn Giỏi cũng như sự nghiệp sáng tác văn học nói chung và tác phẩm Đất rừng phương Nam nói riêng, mời bạn hãy cùng chúng tôi dõi theo ngay bài viết dưới đây!
Đôi nét tiểu sử nhà văn Đoàn Giỏi
Nhà văn Đoàn Giỏi, tên khai sinh là Đoàn Văn Giỏi (17/05/1925 – 02/04/1989). Ông còn được biết đến với các bút danh khác như: Nguyễn Hoài, Huyền Tư, Nguyễn Phú Lễ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại Thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho, nay đổi thành xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Vào năm 1939, sau khi hoàn thành chương trình học ở bậc tiểu học, Đoàn Giỏi đã lên Sài Gòn, tiếp tục theo học trung học. Vốn là một con người có niềm say mê mãnh liệt với hội họa, ông đã giấu gia đình để thi vào Trường Mỹ thuật Gia Định. Tuy nhiên, vì sự phản đối của gia đình, mà sau một năm theo học, ông đã buộc phải dừng lại việc học. Gặp nhiều cản trở trong lĩnh vực hội họa, nhà văn Đoàn Giỏi đã chuyển hướng sang theo đuổi sự nghiệp văn chương.
Nhớ cố hương (1943) là tác phẩm truyện ngắn đầu tay thành công của ông. Trải qua quá trình xét duyệt cũng như chọn lọc kỹ lưỡng của nhà văn Hồ Biểu Chánh, tác phẩm Nhớ cố hương đã được đăng tải trên số xuân của Nam Kỳ Tuần Báo.
Tới năm 1945, thời điểm Cách mạng tháng 8 nổ ra, nhà văn Đoàn Giỏi đã tạm dừng lại sự nghiệp văn chương của mình để trở về quê hương tham gia kháng chiến, đảm nhiệm vị trí cán bộ thông tin của xã Tân Hiệp. Đến năm 1947, ông tiếp tục được trao nhiệm vụ làm công an xã và phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành. Vào năm 1948, Đoàn Giỏi được giữ chức trưởng trinh sát công an huyện và cũng chính thức trở thành con người Cộng sản.
Năm 1949, Đoàn Giỏi được điều động sang làm Phó ty tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho và phụ trách mảng văn nghệ. Đồng thời, cũng làm chủ bút cho báo Tiền Phong – Cơ quan Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Đến năm 1950, ông tiếp tục được giao chức vụ Phó trưởng thông tin Rạch Giá. Năm 1951, Đoàn Giỏi chính thức trở thành ủy viên Thường vụ Ban chấp hành hội văn nghệ Nam Bộ và Phó phòng văn nghệ Sở thông tin Nam Bộ.
Sau thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông được tập kết ra ngoài miền Bắc và làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam. Sau thời gian đó, ông lại tiếp tục chuyển sang công tác tại Hội nhà văn Việt Nam.
Suốt những năm tháng sinh sống và làm việc ngoài Bắc, Đoàn Giỏi cũng đã dành phần nhiều thời gian và sự tâm huyết của mình cho sự nghiệp văn chương. Phần lớn các tác phẩm ông cho ra đời đều hướng tới con người và mảnh đất Nam Bộ.
Năm 1975, khi miền Nam giải phóng, đất nước được thống nhất. Nhà văn Đoàn Giỏi quay trở về Sài Gòn sinh sống và giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 2/4/1989, nhà văn Đoàn Giỏi ra đi trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp vì chứng bệnh hiểm nghèo.
Sự nghiệp và những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi
Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Đoàn Giỏi
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn chương với tác phẩm truyện ngắn Nhớ cố hương (1943). Sau đó, những năm tháng sinh sống và làm việc ngoài Bắc, chính là khoảng thời gian mà nhà văn Đoàn Giỏi chuyên tâm nhất vào sự nghiệp viết văn của mình.

Bằng tất cả tình yêu và sự tự hào về quê hương phương Nam, cùng nỗi nhớ thương da diết và vốn sống phong phú của mình, ông đã cho ra đời những trang văn tái hiện hết sức sinh động, chân thực về thiên thiên và con người Nam Bộ.
Trong số đó, tác phẩm Đất rừng phương Nam là một trong những sáng tác nổi tiếng và để lại được nhiều dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng độc giả. Đặc biệt, trước khi đi về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh xơ gan, ông cũng đã để lại tác phẩm Núi cả mây ngàn còn đang dang dở.
Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi

- Các tập truyện dài: Đất rừng phương Nam (1957), Đất rừng phương Nam (1957), Cá bống mú (1956), Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962)
- Tuyển tập truyện ngắn: Hoa hướng dương (1960), Chú bé Hà Nội và chú ó lửa trên, Đồng Tháp Mười (1987), Người tù chính trị năm tuổi (1973)
- Các tác phẩm truyện ký: Ngọn tầm vông (1956), Trần Văn Ơn (1955), Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh,…
- Thể loại kịch thơ: Người Nam thà chết không hàng (1947), Chiến sĩ Tháp Mười (1949)
- Các tác phẩm thơ: Giữ vững niềm tin (1954), Bến nước mười hai, Truyện thằng Cồi
- Các biên khảo: Những chuyện lạ về cá (1981), Tê giác giữa ngàn xanh (1982).
Với kho tàng tác phẩm đồ sộ, đề tài phong phú ở đủ cả các thể loại như tiểu thuyết; truyện ngắn; truyện dài; bút kí; biên khảo; kịch thơ; thơ;… Nhà văn Đoàn Giỏi đã làm cho vùng đất phương Nam trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với người đọc.
Đất rừng phương Nam – Tác phẩm nổi tiếng của Nhà Văn Đoàn Giỏi
Nhắc đến nhà văn Đoàn Giỏi là phải nhắc tới Đất rừng phương Nam. Cho đến hiện nay, tác phẩm này đã được tái bản hàng chục lần, dịch và xuất bản ở Liên Xô, Hungari, Trung Quốc, Đức, Cuba. Đồng thời, tác phẩm cũng đã được chuyển thể thành phim và được khán giả đón nhận vô cùng tích cực.
Theo kể lại, trong một lần nhà văn Đoàn Giỏi sang Liên Xô, ông có đến thăm nhà văn lớn Polevoi, trẻ con hàng xóm bên Nga đã chạy qua tụ tập để biết mặt ông và xin chữ ký. Nhà thơ Tế Hanh cũng đã từng nói với các nhà văn quốc tế rằng, Đất rừng phương Nam là truyện Robinson của Việt Nam, là những trang vàng huyền thoại và hấp dẫn không kém.

Không giống với suy nghĩ của nhiều người, tác phẩm Đất rừng phương Nam hoàn toàn là một sáng tác được viết theo đơn đặt hàng. Năm 1957, sau khi chuyển ra Bắc sinh sống và làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, nhà văn Đoàn Giỏi đã nhận được đơn đặt hàng từ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, khi đó là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, đã đề nghị ông viết một cuốn sách cho thiếu nhi để giới thiệu về quang cảnh, thiên nhiên và con người phương Nam.
Với những nỗi nhớ và cảm xúc dạt dào về quê hương Nam Bộ, nhà văn Đoàn Giỏi đã chắp bút và hoàn thành tác phẩm chỉ trong vòng 1 tháng.
Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi đã mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ để giới thiệu về đất rừng Nam Bộ. Hiện lên trong những trang văn chân thực là thiên nhiên rừng U Minh vừa kỳ thú, vừa giàu có và bí ẩn. Bên cạnh cánh rừng trù phú, sóng nước rì rầm còn là hình ảnh của những con người trung hậu, trí dũng, chất phác, một lòng một dạ đi theo kháng chiến.
Với lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, đậm chất Nam Bộ, tác giả Đoàn Giỏi đã dẫn dắt độc giả đi từ thú vị này cho đến thú vị khác. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm Đất rừng phương Nam chính là tình yêu và sự gắn bó đối với quê hương, đất nước.
Trên đây là những thông tin cơ bản và chi tiết nhất về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà văn Đoàn Giỏi. Hy vọng, bài viết đã cung cấp được tới bạn những kiến thức văn học hữu ích và có giá trị.