Được mệnh danh là viên ngọc đắt giá của nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân nổi lên là một cây bút tài hoa, độc đáo có một không hai. Mời bạn hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và phong cách sáng tác của ông nhé!
Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (10/7/1910 – 28/7/1987), quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ông là một nhà văn nổi tiếng với các thể loại bút ký và tùy bút. Nguyễn Tuân được đánh giá là một nhà văn tài hoa, uyên bác với phong cách viết văn độc đáo, là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.

Nguyễn Tuân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn. Cha của ông là Nguyễn An Lan, một nhà nho tài hoa và yêu nước trong chế độ thực dân phong kiến. Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mình. Thời niên thiếu, cuộc sống gia đình vất vả đã khiến cho ông phải di cư đến sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau và nơi ông sống lâu nhất là Thanh Hóa.
Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, nước mất nhà tan, Nguyễn Tuân đã ý thức được rất sớm về trách nhiệm và lòng yêu quê hương, đất nước. Khi đang học đến bậc cuối của Thành chung Nam Định (Tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong – Nam Định ngày nay), Nguyễn Tuân đã bị đuổi học vi tham gia vào cuộc bãi khóa phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt năm 1929. Ít lâu sau, ông bị bắt vào tù vì qua biên giới Thái Lan mà không có giấy phép.
Sau khi ra tù, ông mới bắt đầu nên duyên với sự nghiệp viết lách và trở thành một trong những nhà văn tên tuổi hàng đầu Việt Nam.
Bắt đầu sự nghiệp văn chương từ những năm 1935, nhưng đến năm 1938 Nguyễn Tuân mới thực sự nổi tiếng thông qua những tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo, sáng tạo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi,… Tới năm 1941, Nguyễn Tuân một lần nữa bị bắt giam vì có liên quan đến những người hoạt động chính trị.
Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, Nguyễn Tuân tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến vô cùng sôi nổi, nhiệt tình. Ông sử dụng văn chương thay cho lời ngợi cơ đất nước và cổ vũ tinh thần cho nhân dân, cùng nhân dân tham gia đánh giặc. Từ năm 1948 – 1957, Nguyên Tuân giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
Sau cách mạng, các tác phẩm chính của Nguyễn Tuân có thể kể đến như: Tùy bút Sông Đà (1960) là kết quả của chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, Tập ký chống Mỹ (1965 – 1975) cùng nhiều bài tùy bút khác về thiên nhiên và cảnh sắc đất nước. Là một con người sống theo chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tuân thích khám phá, trải nghiệm các vùng đất xuyên suốt chiều dài đất nước để tìm hiểu những điều mới mẻ.
Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp văn chương nước nhà, trước khi mất tại Hà Nội vào ngày 28/7/1987, ông đã để lại cho đời một kho tàng văn học đồ sộ, đáng kính nể.
Phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân
Phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng rất lớn từ những tác động của tự nhiên, xã hội cùng những biến đổi của đất nước. Và có thể chia thành 2 giai đoạn chính: Trước Cách mạng tháng Tám và sau Cách mạng tháng Tám.

Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân có thể được tóm gọn lại trong một chữ “ngông”. Ông luôn khát khao đi tìm cái đẹp, cái còn sót lại xung quanh 3 chủ đề chính là “Chủ nghĩa xê dịch”, “Vang bóng một thời” và “Đời sống trụy lạc”.
Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách sáng tác của ông có nhiều biến chuyển quan trọng. Khi này, ông cho ra đời các tác phẩm xoay quanh đề tài quê hương đất nước, về tinh thần chiến đấu và lao động của nhân dân ta. Đồng thời, ông cũng mạnh dạn chỉ ra những mặt tiêu cực trong xã hội, ném đá vào kẻ thù của dân tộc.
Trong cả hai giai đoạn sáng tác của mình, Nguyễn Tuân đều đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng. Con đường nghệ thuật của Nguyễn Tuân từ một nhà văn lãng mạn, trở thành một công dân gắn bó với sự nghiệp cách mạng đất nước – khá tiêu biểu cho một đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ Việt Nam thời đó.
Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân
Nhờ sở hữu vốn từ giàu có, phong phú, nhất là vốn từ Hán – Việt, Nguyễn Tuân đã kết hợp ngôn ngữ cổ xưa cùng với ngôn ngữ hiện đại để mang đến cho độc giả những tác phẩm vô cùng ấn tượng, đóng góp to lớn vào kho tàng văn học Việt Nam. Các thể loại và tác phẩm tiêu biểu qua từng thời kỳ của ông có thể kể đến như:

- Tập tùy bút: Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tàn đèn dầu lạc (1941), Tùy bút (1941), Tóc chị Hoài (1943), Tùy bút II (1943), Đường vui (1949), Tùy bút kháng chiến (1955), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988).
- Tùy bút – du ký: Một chuyến đi (1938), Tình chiến dịch (1950), Đi thăm Trung Hoa (1955).
- Ký: Cô Tô (1986).
- Phóng sự: Ngọn đèn dầu lạc (1939).
- Tập truyện ngắn: Vang bóng một thời (1940), Nguyễn (1945).
- Tiểu thuyết: Chùa Đàn (1946), Thắng càn (1953).
- Truyện thiếu nhi: Truyện một cái thuyền đất (1958).
- Tập tiểu luận: Yêu ngôn (2000, sau khi mất).
Nhận định hay về nhà văn Nguyễn Tuân
“Đây là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Là người sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa” – Nguyễn Đình Thi.
“Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng” – Nhà văn Thạch Lam.

“Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa” – Nguyễn Ðăng Mạnh.
“Ông xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng việt” là người thợ kim hoàn của “chữ”” – Tố Hữu.
“Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân đọc mới thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức” – Vũ Ngọc Phan.
“Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái đẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân đặc Việt Nam (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) từ quan niệm cho tới thực tế sáng tác” – Vũ Ngọc Phan.
Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Tuân đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nền văn học Việt Nam, cả một đời dâng hiến cái đẹp trong văn chương bằng tất cả cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ lớn.