Kim Lân – một nhà văn, một diễn viên gạo cội – cây bút viết truyện ngắn với những tác phẩm để đời gắn liền với con người, cuộc sống ở những vùng nông thôn Việt Nam vào thế kỷ trước.
Tiểu sử nhà văn Kim Lân
Nguyễn Văn Tài (1920 – 2007) được biết tới với bút danh Kim Lân, ông được biết đến là một nhà văn, diễn viên Việt Nam vô cùng nổi tiếng. Bút danh Kim Lân được ông lấy từ một vai mà ông đã từng diễn – Đổng Kim Lân.

Ông sinh ra và lớn hơn ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, ông chỉ được học hết tiểu học rồi nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình: vừa làm thợ sơn guốc, vừa khắc tranh bình phong lại vừa viết văn.
Ông có 5 người con đều là họa sĩ tài năng: họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ Nguyễn Từ Ninh và họa sĩ Nguyễn Việt Tuấn.
Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941, các tác phẩm của ông được đăng trên các báo “Tiểu thuyết thứ bảy” và “Trung Bắc chủ nhật”.
Sự nghiệp của ông được chia thành 2 giai đoạn: trước Cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám. Dù không viết nhiều nhưng ở giai đoạn nào ông cũng có những tác phẩm hay, gắn liền với đời sống và những sự kiện diễn ra hàng ngày của người nông dân thời kỳ đó. Năm 2001, trước những đóng góp của mình trong suốt nhiều thập kỷ, Kim Lân đã được nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Năm 2007, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hen suyễn quái ác, ông mất tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội ở tuổi 86.
Phong cách sáng tác và những tác phẩm của nhà văn Kim Lân
Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, sinh ra và lớn lên ở làng quê miền Bắc, ông am hiểu về những phong tục tập quán, đời sống hàng ngày của người dân. Chính vì thế, những tác phẩm của ông tập trung xoáy sâu vào cuộc sống hàng ngày với ngôn từ vô cùng giản dị mà không kém phần phong phú, sống động, đậm chất thôn quê.

Sự nghiệp sáng tác của ông không phải hàng chục hay hàng trăm tác phẩm như những nhà thơ, nhà văn khác nhưng những tác phẩm ông để lại còn đọng lại trong lòng người đọc những gợi nhớ về một vùng quê Việt Nam dân giã, bình dị; trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như:
- Vợ nhặt (in trong tập Con chó xấu xí năm 1962) được đánh giá là một trong những tác phẩm truyện ngắn xuất sắc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm phản ánh hiện thực khốc liệt của nạn đói khủng khiếp năm 1945 (năm Ất Dậu), đây chính là tội ác của bọn thực dân phát xít hằn sâu trong tâm trí của mỗi người Việt mà mỗi khi nhắc đến đều cảm thấy nghẹn lòng.
Những tưởng cảnh nghèo đói sẽ khiến con người ta phải lừa lọc, cướp bóc, tranh giành, giẫm đạp lên nhau mà sống, bán rẻ lòng tự trọng; tuy nhiên, trong “Vợ nhặt”, người đọc lại bắt gặp những người nghèo vật chất nhưng lại không nghèo tinh thần, họ sẵn sàng cưu mang người khác ngay cả khi bản thân nọ đang đứng trên bờ vực cái chết, không biết tương lai sẽ như thế nào.
- Làng (1948) được ra đời vào đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, truyện ngắn bao hàm giá trị nội dung vô cùng sâu sắc. Thông qua nhân vật ông Hai, một người vô cùng yêu làng của mình, khi hay tin làng theo giặc, ông vô cùng buồn, đau đớn, tâm trạng mâu thuẫn, dằn vặt.
Ông lầm lũi, im lặng, ngập tràn nỗi buồn, tâm sự với thằng con út để thể hiện tình yêu cách mạng của mình. Đến đứa con nhỏ của ông còn tin tưởng ủng hộ cụ Hồ thì cớ gì làng ông có thể theo giặc được. Cho tới khi biết sự thực đúng sai, khỏi phải nói, ông vui mừng tới như thế nào, lời nói đầy hạnh phúc và có phần lắp bắp không rõ nghĩa.
Nhân vật ông Hai cũng đại diện cho nỗi lòng của cả triệu người dân Việt Nam, một lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, tin tưởng vào Đảng, nhà nước. Dù là 1000 năm trước hay 1000 năm sau thì lòng yêu nước vẫn chẳng thể nào đổi thay!
Ngoài 2 tác phẩm truyện ngắn trên thì Kim Lân còn có các tác phẩm truyện ngắn khác như “Đôi chim thành”, “Con mã mái”, “Chó săn”, “Nên vợ nên chồng”,…
Sự nghiệp diễn xuất của nhà văn Kim Lân
Ngoài vai trò là một nhà văn thì Kim Lân còn được biết đến là một diễn viên tham gia rất nhiều các bộ phim và vở kịch như:
- Nhân vật Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy
- Nhân vật Lý Cựu trong phim Chị Dậu
- Nhân vật Lão Pẩu trong phim Con Vá
- Nhân vật Cả Khiết trong vở kịch Cái tủ chè
- Nhân vật Cụ lang trong phim Hà nội 12 ngày đêm,…
Những nhận định về nhà văn Kim Lân
Chính Kim Lân đã từng nói “Viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những mơ ước, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc”.

Bản thân ông viết văn như viết chính về cuộc đời mình, những mong ước của bản thân đối với cuộc đời. Ông là con của vợ ba, một người ngụ cư nên đã gặp không ít những điều tiếng, khinh rẻ. Chính vì thế ông đã dùng ngòi bút của mình để đòi lại sự công bằng cho bản thân, cất lên tiếng nói, bày tỏ lòng mình với bạn bè, làng xóm.
Nếu như trong hoàn cảnh khốn cùng, bi thảm, người ta thường nghĩ tới cái chết, nghĩ tới sự loạn lạc, cướp bóc, chà đạp lên nhân phẩm, xã hội vì đồng tiền; với Kim Lân, ông luôn hướng tới sự sống, hy vọng ở một tương lai tươi sáng – Sống cho ra sống, sống cho ra con người!
Nhà văn Kim Lân đã dành trọn đời mình cho nền văn học mới, một tấm gương đẹp về sự kiên định, vững vàng về bản lĩnh, dành trọn lòng mình với kháng chiến, với cách mạng, để lại cho hậu thế những tác phẩm truyện ngắn có sức sống trường tồn, làm giàu thêm, phong phú thêm kho tàng văn học Việt.
Mong rằng những chia sẻ của Nhà văn TP.HCM đã có thể giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về nhà văn Kim Lân. Bạn cũng có thể sử dụng những tư liệu này để để phục vụ cho học tập và công việc của mình. Chúc các bạn học tập hiệu quả!